Bí mật kì lạ nhất
“Chúng ta trở thành những gì mình nghĩ. - Earl Nightingale”
Earl Nightingale (1921 – 1989) được mệnh danh là “Dean of Personal Development” – một trong những người tiên phong cùng với Napoleon Hill và Jim Rohn, đặt những nền tảng vững chắc đầu tiên cho phát triển bản thân – phát triển cá nhân.
Earl Nightingale được sinh ra trong thời kỳ khủng hoảng về kinh tế. Khi còn nhỏ và bởi vì gia cảnh rất nghèo khó, ông muốn tìm hiểu vì sao có người sống trong thịnh vượng trong khi số khác thì chật vật kiếm sống. Cho đến lúc dần trưởng thành, ông bắt đầu đọc tất cả những gì có thể để tìm kiếm câu trả lời. Earl Nightingale – Bí mật kỳ lạ nhất
Sau nhiều năm tìm kiếm, Earl Nightingale đã tìm ra câu trả lời và gọi nó là “The Strangest Secret” – bí mật kỳ lạ nhất – và bắt đầu phổ biến rộng rãi đến công chúng bắt đầu từ năm 1956.
Bí mật kỳ lạ nhất chỉ là một bài giảng ngắn nhưng nó cũng chính là tác phẩm tạo nên danh tiếng cho ông và cũng chính nó là nền tảng tạo nên thành công cho rất nhiều người. Tại sao lại là bí mật kỳ lạ?
Vì các lý do sau đây:
Nó kỳ lạ vì nó là quy luật dẫn đến thành công, nhưng cùng lúc nó cũng là quy luật dẫn đến thất bại.
Nó kỳ lạ vì nó đã được nhắc đến rất nhiều lần từ Kinh thánh và nhiều nhà thông thái nhưng rất ít người hiểu được.
Hãy cùng xem nguyên văn bài giảng Earl Nightingale – Bí mật kỳ lạ nhất (phụ đề tiếng Việt).
Tôi sẽ nói cho bạn biết một bí mật kỳ lạ nhất. Cách đây không lâu, có một phóng viên hỏi Albert Schweitzer, ông là một bác sỹ kỳ tài đã từng đoạt giải Nobel. Câu hỏi cho ông là: vấn đề với con người ngày nay là gì? Ông trầm ngâm hồi lâu và nói: con người ngày nay không chịu suy nghĩ.
Đấy chính là vấn đề tôi muốn chia sẻ với bạn. Chúng ta đang sống trong thời đại hoàng kim mà con người đã mong mỏi từ hàng ngàn năm qua nhưng bởi vì nó đã diễn ra, chúng ta lại coi thường và không nhận ra điều đó. Chúng ta vô cùng may mắn được sống ở Mỹ, một đất nước thịnh vượng nhất chưa từng có trong lịch sử, cơ hội là vô vàn cho mọi người, nhưng bạn có biết chuyện gì đã xảy ra không?
Lấy ví dụ 100 người bắt đầu từ năm 25 tuổi, bạn có biết chuyện gì xảy ra với họ khi họ 65 tuổi không? Ban đầu tất cả bọn họ đều tin rằng họ sẽ thành công. Nếu bạn hỏi họ có muốn thành công hay không thì ai cũng trả lời là có. Họ đều mong mỏi có một cuộc sống thành công và tốt đẹp và với họ cuộc sống là một hành trình đầy hấp dẫn. Nhưng vào năm họ 65 tuổi, chỉ có một người là giàu có, 4 người có thể tự lo về tài chính, 5 người sẽ vẫn phải làm việc, 54 người sẽ hoàn toàn trắng tay. Hãy suy nghĩ về điều đó, chỉ có 5 trong 100 người có thể tạm gọi là thành công.
Tại sao có quá nhiều người thất bại? điều gì đã xảy ra? ước mơ, hy vọng và kế hoạch của họ tan biến đi đâu cả rồi? tại sao có khoảng cách rất lớn giữa mong muốn và thành tựu?
Khi chúng ta nói về 5% đạt được thành công, chúng ta phải định nghĩa thành công là gì. Và đây là định nghĩa tốt nhất mà tôi có thể kiếm được: thành công là hành trình hiện thực hóa một ý tưởng xứng đáng.
Nếu có người xác định mục tiêu, biết rõ định hướng và hành động để thực hiện, người đó là người thành công, nếu không, họ thất bại.
Rollo May, một chuyên gia tâm thần học, có viết một cuốn sách tựa là: Man’s Search for Himself, trong cuốn sách đó, ông viết: trái ngược với can đảm trong xã hội của chúng ta không phải là hèn nhát mà là mù quáng tuân thủ.
Đó chính là vấn đề: mọi người hành động như người khác mà không biết lý do vì sao, không biết cuộc đời họ sẽ đi về đâu, hãy suy nghĩ về điều đó. Bây giờ ở Mỹ có hơn 40 triệu người ở tuổi 65, và trong số đó có hơn 13 triệu người trắng tay và phải sống phụ thuộc vào người khác. Chúng ta biết đọc năm 7 tuổi, và có thể kiếm sống năm 25 tuổi nhưng năm 65 tuổi, chúng ta vẫn chưa biết làm sao để có thể tự lo liệu về mặt tài chính ở một quốc gia thịnh vượng nhất trong lịch sử.
Tại sao lại như thế? Do chúng ta mù quáng tuân theo và vấn đề là chúng ta hành động giống như nhóm 95% thất bại. Tại sao họ lại mù quáng tuân theo như thế?
Thực ra họ không biết vì sao, họ tin rằng cuộc sống của họ được tạo ra do hoàn cảnh, do những điều xảy ra bên ngoài. Có một thống kê hỏi rất nhiều người: tại sao họ làm việc? 19 người trong số 20 người không biết lý do vì sao. Nếu bạn gặng hỏi, họ sẽ trả lời là vì ai cũng làm thế.
Bây giờ hãy quay lại định nghĩa về thành công. Ai là người thành công? Chỉ có người liên tục hiện thực hóa ý tưởng đáng giá, chỉ có họ mới thành công. Chỉ có người biết họ muốn gì và bắt tay vào hành động để hiện thực hóa mong muốn của họ. Họ là người thầy giáo đang dạy học vì họ muốn làm thầy giáo, họ là người nội trợ đang làm việc nhà vì họ muốn trở thành người nội trợ và họ đang làm rất tốt công việc họ muốn, họ là người chủ cây xăng vì đó là điều họ muốn, họ là người bán hàng vì họ muốn làm người bán hàng giỏi nhất và tự tạo doanh nghiệp riêng.
Người thành công là bất kỳ ai đang chủ ý làm những gì họ chủ ý muốn làm. Nhưng chỉ có 1 trong 20 người làm việc đó. Đó là lý do vì sao, ngày nay chẳng có gì thực sự gọi là cạnh tranh, ngoại trừ chúng ta tự tạo ra cho chính bản thân mình. Thay vì cạnh tranh, tất cả những gì phải làm là sáng tạo.
Trong 20 năm tôi tìm kiếm chìa khóa nào quan trọng nhất quyết định thành bại của con người. Chìa khóa nào mà có thể giúp con người thành công nếu họ biết nó và biết cách sử dụng nó. Vâng, có chìa khóa đó, và tôi đã tìm ra. Bạn có bao giờ để ý thấy có nhiều người làm việc chăm chỉ nhưng chẳng đạt được thành tựu gì, còn người khác thì không nhưng lại có được tất cả. Họ dường như có bàn tay phép thuật, mọi thứ họ chạm vào đều biến thành vàng. Và bạn có để ý thấy người đã thành công sẽ có khuynh hướng tiếp tục như thế. Và trái lại người thất bại sẽ có khuynh hướng tiếp tục thất bại.
Bởi vì mục tiêu, một số có, một số không. Người có mục tiêu thành công vì họ biết họ định hướng của mình, rất đơn giản. Hãy suy nghĩ về con thuyền rời bến và có một kế hoạch hoàn chỉnh, thuyền trưởng và các thủy thủ biết rõ họ sẽ đi đâu và trong bao lâu. Nó có một mục tiêu được xác định rõ. 99,99% nó sẽ đến được đích đã được dự tính. Bây giờ hãy lấy ví dụ một con tàu khác, không có thuyền trưởng và thủy thủ, không có mục đích gì, chúng ta chỉ cần khởi động máy móc và để nó tự chạy trong hành trình vô định. Bạn sẽ đồng ý với tôi là nó sẽ khó lòng ra khỏi cảng, nó sẽ khó lòng đi đến đâu nếu không có mục đích, định hướng.
Điều đó cũng tương tự với con người. Lấy ví dụ người bán hàng, bán hàng là một nghề có rất nhiều tiềm năng, đó là nghề được trả nhiều tiền nhất nếu bạn làm giỏi và biết rõ điều mình muốn. Công ty nào cũng cần nhân viên bán hàng giỏi, không có giới hạn cho họ. Nhưng bạn có thể tìm thấy bao nhiêu người?
Có người nói loài người đã được cố định, không còn tiến hóa. Không phải để ngăn người mạnh hơn chiến thắng nhưng để cho kẻ yếu không phải thua. Nền kinh tế Mỹ ngày nay giống như một hạm đội trong thời chiến. Toàn bộ nền kinh tế bị chậm lại để bảo vệ những kẻ yếu. Giống như hạm đội chỉ có thể đi nhanh với tốc độ bằng với chiếc thuyền chậm nhất nếu nó muốn giữ vững đội hình.
Đó là lý do vì sao rất dễ dàng để kiếm sống ngày nay. Nó không cần phải có tài năng gì đặc biệt để có thể kiếm đủ sống. Vì thế chúng ta có cái gọi là an toàn nhưng chúng ta phải quyết định mức độ cao hơn an toàn mà chúng ta muốn nhắm đến.
Bây giờ hãy quay lại câu chuyện về bí mật kỳ lạ nhất mà tôi muốn chia sẻ với bạn ngày hôm nay. Tại sao người có mục tiêu thì thành công, người không có thì thất bại? Hãy để tôi chia sẻ với bạn điều này, và nếu bạn hiểu nó, nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn ngay lập tức, cuộc đời bạn sẽ thay đổi hoàn toàn nếu bạn hiểu được những gì tôi xắp nói. Bạn sẽ thấy ngay may mắn tự nhiên đến với bạn, những gì bạn muốn dường như tự đến, và từ giờ trở đi bạn không còn lo lắng hay sợ hãi, nghi ngờ như trước.
Đây là chìa khóa của thành công và chìa khóa của thất bại: chúng ta trở thành những gì mình nghĩ
Trong toàn bộ lịch sử, những nhà thông thái, triết gia, tiên tri đều có nhiều cái bất đồng nhưng chỉ có điều này là họ hoàn toàn đồng ý với nhau. Marcus Aurelius nói: cuộc đời của con người là do suy nghĩ của họ tạo ra. Disraeli nói: con người có thể đạt được mọi thứ nếu có đủ kiên nhẫn., không gì có thể chiến thắng được sự bền chí của con người. Ralph Waldo Emerson nói: con người là những gì họ nghĩ. William James nói: phát hiện lớn nhất của thế hệ của tôi là con người có thể thay đổi cuộc đời bằng cách thay đổi thái độ của họ. Ông cũng nói: chúng ta cần hành động như thể những gì còn nghi ngờ đã là sự thật và nó sẽ trở thành sự thật khi kết nối với cuộc đời của chúng ta, nó sẽ trở thành thói quen và cảm xúc và trở thành những gì chúng ta tin tưởng. Ông cũng nói: nếu đủ sự quan tâm đến kết quả, bạn chắc chắn sẽ đạt được.
Nếu muốn giàu có, bạn sẽ giàu có. Nếu muốn được học, bạn sẽ được học. Nếu muốn được tốt, bạn sẽ được tốt. Và bạn sẽ đạt được nó khi và chỉ khi mong muốn cho nó là duy nhất chứ không phải cùng lúc muốn hàng trăm thứ.
Trong Kinh thánh, Mark 9:23 có ghi: nếu có lòng tin, mọi thứ đều có thể. Norman Vincent Peale nói: đây là một quy luật vĩ đại của vũ trụ, ước gì tôi có thể biết nó khi còn trẻ, nhưng tôi chỉ biết được nó sau này, nó là phát hiện lớn nhất sau phát hiện về mối liên hệ của tôi và Đức Chúa Trời. Quy luật đó đơn giản là: nếu suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ nhận được kết quả tiêu cực. Nếu suy nghĩ tích cực, bạn sẽ nhận được kết quả tích cực. Đó là quy luật cơ bản của thành công và giàu có, có thể tóm gọn trong 3 từ: tin tưởng và thành công.
William Shakespeare viết: sự nghi ngờ của chúng ta là kẻ thù ngăn cản những điều tốt đẹp mà chúng ta lẽ ra đã có được. George Bernerd Shaw nói: con người đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tôi không tin vào điều đó, những người thành công là những người tìm hoàn cảnh họ muốn, và nếu không tìm thấy, họ tự tạo ra.
Thật là hiển nhiên phải không nào? Bất kỳ ai phát hiện ra điều này và tin tưởng là những người đầu tiên thành công. Chúng ta trở thành những gì mình nghĩ. Đó là lý do nếu con người có một mục tiêu đáng giá họ sẽ đạt được nó bởi vì đó là những gì họ nghĩ đến, và họ trở thành những gì mình nghĩ. Trái lại, nếu không có mục tiêu, họ không biết cuộc đời mình đi về đâu. Vì thế, suy nghĩ của họ sẽ toàn là lo lắng, sợ hãi và bối rối và họ trở thành những gì bạn nghĩ. Cuộc đời họ trở thành thất vọng, lo lắng và sợ hãi. Nếu họ không suy nghĩ gì, họ trở thành con số không.
Tại sao lại như thế?
Tôi sẽ chia sẻ với bạn những gì tôi biết. Để làm điều đó, tôi sẽ chia sẻ với bạn về một tình huống song song của tâm trí con người. Ví dụ một nông dân có mảnh đất màu mỡ. Mảnh đất đó cho họ lựa chọn: họ có thể gieo trồng tùy thích, mảnh đất không quan tâm họ sẽ gieo gì. Chúng ta so sánh tâm trí với mảnh đất, bởi vì tâm trí con người giống như mảnh đất. Nó không quan tâm bạn sẽ bỏ gì vào đó, nó sẽ trả lại những gì bạn bỏ vào. Nó không quan tâm bạn gieo gì. Ví dụ người nông dân có 2 hạt giống, một là bắp và một là cà dược (một loại độc dược chết người). Người nông dân gieo trồng cả 2 hạt. Điều gì sẽ xảy ra? dĩ nhiên mảnh đất sẽ trả lại những gì họ gieo, như Kinh thánh có viết: gieo gì gặt nấy. Mảnh đất không quan tâm, nó sẽ trả lại bắp cũng như cà được. Tâm trí con người thì phức tạp, màu mỡ và kỳ diệu hơn mảnh đất nhiều, nhưng nó hoạt động theo cách tương tự. Nó không quan tâm chúng ta gieo gì, thành công hay thất bại, mục tiêu đáng giá hay lo lắng và sợ hãi. Nhưng những gì chúng ta gieo, nó sẽ trả lại như thế.
Bạn thấy đấy, tâm trí con người là lục địa cuối cùng chưa được khám phá trên trái đất này. Nó màu mỡ hơn bất kỳ mong ước điên cuồng nào. Nó sẽ trả lại những gì chúng ta gieo. Bây giờ bạn có thể nói: nếu điều đó đúng tại sao con người không dùng tâm trí thường xuyên hơn?
Tôi nghĩ chúng ta cũng có câu trả lời cho câu hỏi đó. Tâm trí chúng ta có ngay từ khi sinh ra một cách tự động. Nó miễn phí và chúng ta không đánh giá cao nó. Những gì chúng ta phải trả tiền thì chúng ta mới thấy quý. Nghịch lý là điều ngược lại cũng đúng: những gì đáng giá trong cuộc sống đều miễn phí – tâm trí, linh hồn, cơ thể, hy vọng, ước mơ, tham vọng, trí tuệ, tình yêu, gia đình, con cái, bạn bè – những thứ vô giá này đều miễn phí. Nhưng những gì phải mua bằng tiền thực ra rất rẻ và có thể được thay thế bất kỳ khi nào.
Người tốt có thể mất tất cả nhưng vẫn có thể làm lại từ đầu, họ có thể làm lại nhiều lần. Thậm chí nhà cháy, chúng ta cũng có thể xây lại. Nhưng có những thứ chúng ta có được dù miễn phí nhưng không thể thay thế.
Tâm trí con người không được sử dụng, đơn giản là vì chúng ta xem thường nó. Nó có thể làm mọi thứ nhưng chúng ta chỉ dùng nó cho những việc vụn vặt thay vì quan trọng. Các trường đại học đã chứng minh chúng ta chỉ sử dụng ít hơn 10% khả năng.
Hãy quyết định ngay điều bạn muốn. Xác định mục tiêu, gieo nó vào tâm trí của bạn. Đó là quyết định quan trọng nhất của cả cuộc đời bạn.
Tất cả những gì bạn làm là gieo những gì bạn muốn vào tâm trí, chăm sóc nó. Hành động kiên trì và nó sẽ trở thành thực tế. Không những nó sẽ mà thực ra không còn cách nào khác. Bạn thấy đấy, nó giống như là quy luật của Isaac Newton, quy luật trọng lực. Nó cũng giống như các quy luật khác của tự nhiên, nó luôn hiệu quả.
Suy nghĩ về mục tiêu của bạn một cách tích cực. Xem bản thân mình như là đã đạt được mục tiêu đó, xem bản thân bạn làm những việc bạn làm khi đã đạt được mục tiêu đó.
Bất kỳ ai đều là kết quả cộng lại của chính suy nghĩ của họ. Họ đang ở nơi mà họ muốn cho dù họ có thừa nhận điều đó hay không. Chúng ta phải sống trên những thành quả từ những suy nghĩ trong tương lai. Bởi vì những gì bạn nghĩ hôm nay, ngày mai, tháng tới, năm tới sẽ quyết định tương lai của bạn. Bạn được định hướng bởi chính tâm trí của mình. Bạn thấy đấy, quy luật cho chúng ta thành công là thanh gươm có 2 lưỡi. Chúng ta phải kiểm soát suy nghĩ của mình. Quy luật cho chúng ta thành công cũng chính là quy luật sẽ làm cho chúng ta thất bại. Nó phụ thuộc vào cách chúng ta dùng nó. Đó chính là bí mật kỳ lạ nhất.
Tại sao nó kỳ lạ, và bí mật? Thật ra nó không phải bí mật gì cả. Nó đã được nhiều nhà thông thái nói tới và được Kinh thánh nhắc lại nhiều lần nhưng chỉ có rất ít người học và hiểu được nó. Đó là lý do vì sao nó kỳ lạ và là bí mật.
Tôi tin rằng nếu bạn đi hỏi khắp nơi bí mật của thành công là gì, sẽ khó lòng gặp ai có thể nói cho bạn. Thông tin này có giá trị vô cùng lớn nếu chúng ta hiểu và áp dụng nó. Không chỉ cho chúng ta mà cho những người xung quanh có liên quan. Cuộc sống nên là một hành trình đầy phấn khích. Con người nên sống đầy đủ, hạnh phúc khi mỗi sáng thức dậy. họ nên làm những việc họ muốn vì họ làm nó tốt.